đang hoàn thiện ngôi nhà nhưng than vãn vì đơn vị xây dựng liên tục tăng giá kính để hoàn thiện một số hạng mục cuối cùng của ngôi nhà. Theo chủ nhà này, cách đây khoảng 1 tháng, đơn vị xây dựng chỉ tăng khoảng vài phần trăm, nhưng mới đây tăng lên từ 20 đến 30%. “Tôi thắc mắc thì họ giải thích là thị trường kính xây dựng đang tăng giá, nếu không hoàn thành nhà sớm thì không biết lúc nào giá kính mới giảm”, ông Quỳnh nói.
Theo tìm hiểu, vì kính tăng giá nên một số công trình xây dựng, hạng mục kính hoặc những công trình muốn thay kính cũ đang tạm “nằm chờ” nghe ngóng thị trường. Điều này khiến một số cửa hàng bán kính ngoài thị trường trở nên vắng khách, ảnh hưởng đến việc kinh doanh.
Phóng viên PLVN ngày 9/8 đã khảo sát một số cửa hàng kính xây dựng trên địa bàn Hà Nội tại một số địa điểm tại đường Nguyễn Khang, Phạm Văn Đồng, Hồ Tùng Mậu… thì thấy giá loại vật liệu này đang tăng mạnh. Theo chủ một cửa hàng kính tại đường Phạm Văn Đồng, từ buổi sáng đến trưa chỉ có đôi ba khách đến mua hàng, bán được vài ba trăm nghìn. So với trước đây, mỗi buổi sáng có thể bán được hàng triệu tiền kính.
Chủ cửa hàng này cũng cho biết, do kính nhập về cửa hàng tăng giá nên buộc người kinh doanh phải tăng giá theo. Có loại kính tăng lên 100 nghìn đồng/m2 chỉ trong khoảng 1 tháng nay. Loại kính dày khoảng 3cm, cách đây 4 tuần có giá từ 220 nghìn đồng thì nay đã tăng lên khoảng 300 nghìn đồng.
Khảo sát tại một số địa điểm khác, chủ các cửa hàng cho biết thêm, giá kính tăng từ khoảng 20% đến gần 50% so với hơn 1 tháng trước. Điều đặc biệt, theo một số cửa hàng, giá kính tăng nhưng nguồn hàng trên thị trường lại khan hiếm. “Gần 10 năm kinh doanh kính mà chưa bao giờ tôi thấy như vậy. Chúng tôi cũng không hiểu tại sao”, chủ cửa hàng kính trên đường Phạm Văn Đồng thắc mắc.
Trả lời báo chí về những biến động bất thường này, ông Lê Văn Thọ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kính và Thủy tinh Việt Nam cho biết, trong 32 loại kính trên thị trường thì có tới 26 loại kính tăng giá trong hơn một tháng qua. Cứ vài ngày lại tăng một lần; trong hơn một tháng đã tăng từ 5 đến 8 lần.
Điển hình có loại tăng rất cao, gần gấp rưỡi so với tháng trước. Theo bảng thống kê, giá kính trắng loại 12 ly ngày 20/6/2016 là 244 nghìn đồng thì đến ngày 3/8/2016 tăng lên 365 nghìn đồng, chênh lệch 121 nghìn, tăng 49,59%. Một số loại kính trắng từ ly 3 đến ly 10 đều tăng từ 14% đến 34%.
Do đầu cơ hay bất động sản phục hồi?
Theo lãnh đạo Hiệp hội Kính và Thủy tinh Việt Nam, đây là mức tăng mạnh chưa từng thấy. Lý giải về mức tăng đột biến này, lãnh đạo Hiệp hội cho biết, nguyên nhân chính là do nguồn cung bị hạn chế trong khi nhu cầu kính xây dựng lại cao, đặc biệt các dự án bất động sản đang hồi phục vào thời điểm này đang là mùa xây dựng. Theo tìm hiểu của PLVN, lý do nguồn cung bị giảm là do một nhà máy kính ở Ninh Bình đang tạm dừng sản xuất. Đây là nhà máy cung cấp cho thị trường trong nước khoảng 300 tấn kính/ngày, chiếm khoảng 14%.
Ông Doãn Văn Linh, một chủ đầu tư xây dựng ở Hà Nội cho biết, công ty ông chuyên xây dựng các công trình như văn phòng cho thuê, chung cư mini..; vì thế, việc kính xây dựng tăng giá khiến hoạt động kinh doanh xây dựng bị ảnh hưởng lớn. Cũng theo ông Linh, những loại kính tốt, giá thành đắt hơn nhiều so với xây bê tông.
Tuy nhiên, các công trình xây dựng như văn phòng cho thuê, cần không gian thoáng đãng thì diện tích tường sử dụng nhiều kính là điều tất yếu. “Nếu giá kính tiếp tục tăng, nhưng vì mục đích kinh doanh, chúng tôi đành phải hạn chế diện tích sử dụng kính để thay thế bằng bê tông”, ông Linh nói.
Nhưng một số người am hiểu thị trường xây dựng nhận định, kính tăng giá chóng mặt như trong thời gian vừa qua, ngoài việc nguồn cung bị hạn chế thì có thể do có hiện tượng đầu cơ. Theo đó, lợi dụng nguồn cung bị giảm, nhiều doanh nghiệp sản xuất kính đã tự ý tăng giá; hoặc gom hàng lại khiến thị trường khan hiếm rồi mới điều tiết bán ra với số lượng nhất định để thu lợi giá cao?
Được biết, nguyên liệu chính để sản xuất kính nổi là dầu FO thời gian qua không tăng nhưng giá kính lại tăng ở mức cao như vậy là một điều vô lí, có sự can thiệp chứ không phải theo quy luật thị trường.